Mỗi khi có người chết, dân làng lại quật mồ dở nắp hòm nhét xác chết vào "mái nhà" của những tử thi đang trong giai đoạn phân hủy.
Hàng trăm năm qua, hủ tục "sống ở cùng nhà, chết chôn cùng mộ" ghê rợn kia ở xã Ia Peng, một xã vùng sâu của huyện Chư Pảh, tỉnh Gia Lai vẫn luôn ám ảnh..
Xã Ia Reng cách trung tâm TP Pleiku 70km, trong đó có hơn 30km là đường đèo núi hiểm trở đến rợn người. Từ trung tâm huyện Chư Pảh, để đến được "thủ phủ" của tục chôn chung, chúng tôi buộc phải chinh phục đèo Sê San bên vách đá dựng đứng, vực thẳm...
Nhà mồ khổng lồ
Trên đỉnh đèo Sê San, muốn vào trung tâm vùng đất quật mồ, Rơchăm Phiên phải đổ xuống con đường đất đỏ trơn trượt dẫn vào làng Dúch 1.
Để xóa tan nỗi lo sợ "xe vuột bánh lủi xuống vực" của ông khách nhát gan, Phiên kể chuyện: "Ia Reng là nơi sinh sống lâu đời của người Jrai, gồm 3 làng (thôn) Dúch 1, Dúch 2 và làng Kép. Điểm đặc biệt là mỗi làng đều có rừng nhà mồ. Mỗi rừng đều hiện diện bóng dáng của tục chôn chung huyệt mộ".
Đến điểm cuối con dốc, Phiên bảo: "Chạy thẳng đụng núi, rẽ trái đụng núi, rẽ phải đụng rừng nhà mồ. Tao đứng ngoài này. Mày có gan thì vào đi". Theo hướng chỉ tay của Phiên, chúng tôi lầm lũi tiến bước. Được khoảng 100 bước chân đã thấy bóng dáng những ngôi nhà mồ to đùng chìm lờ mờ trong màn sương dày đặc.
Tiến sát rừng, khí lạnh toát ra từ sương núi, cây rừng bất chợt mang đến cảm giác bất an cho những kẻ bạo gan xâm phạm nơi được xem là cấm địa của rừng già. Không như rừng nhà mồ ở các buôn làng khác luôn nằm sâu trong rừng, tách biệt với buôn làng, rừng nhà mồ ở làng Dúch 1 án ngữ giữa khu dân cư.
Nơi đây nấm mồ nào cũng to đùng, bên trong lổn ngổn đủ thứ của cải mà người sống trao cho người chết theo tục chia của như chiêng, ché, quần áo, bầu lồ ô, xà gạc, khố, giường tủ... Điều đặc biệt nhất là những ngôi mộ ở đây to lớn khác thường. Giọng run run, một già làng tên K’rin, cho biết: "Nhiều người nằm dưới đất nên phải làm to thôi".
Trước khi tiến sâu vào rừng hái lá bép (loài lá rừng có vị ngọt kỳ lạ mà tê giác rất thích ăn, thường được đồng bào sử dụng nấu canh ống thụt từ lồ ô), già K’rin tiết lộ: "Có cái nhà ma hai ba người nằm nhưng cũng có cái 5 - 6 người ở cùng đấy".
Để tiết kiệm
Anh Nguyễn Quang Lương, thư ký Đoàn Thanh niên thôn Dúch 1, giọng e dè khi nhắc đến rừng nhà mồ.
Sau khi bật mí trước đây rừng ma nằm trên núi cao nhưng do người chết đông, hết đất chôn nên làng mới di dời xuống núi, chọn bìa rừng sát làng làm nơi cho "người chết sống", Lương khuyên chúng tôi không nên nán lại lâu trong rừng ma vì trong đó cây cối um tùm ẩn chứa nhiều rắn độc, khí độc.
Đề cập hủ tục chôn chung, Lương lắc đầu: "Mình là người ít tuổi nên không biết nhiều. Hỏi trưởng làng, già làng nó rõ hơn kia". Theo hướng dẫn của Lương, chúng tôi đến nhà ông Rơchăm Puih, trưởng ban mặt trận thôn.
Vào chuyện, Puih nói tỉnh bơ: "Lúc còn sống thì ở chung nhà, uống chung ghè rượu, tắm cùng con suối, leo cùng ngọn núi... thì khi chết phải chôn chung huyệt mộ thôi. Mộ nào càng to thì dưới đó chôn càng nhiều người. Khi nào cái hòm đầy thì thay cái hòm mới, chôn cạnh cái hòm cũ.
Trò chuyện với một số già làng, chúng tôi biết thêm căn nguyên của hủ tục chôn chung là "để tiết kiệm". Già làng Rơchăm Phiếu năm nay ngoài 80 mùa rẫy, giọng sang sảng: "Ngày trước mỗi gia đình muốn có cái hòm chôn người chết cực lắm. Phải vào rừng sâu chọn cái cây lớn đốn hạ, sau đó dùng rìu, xà gạc đốn thành khúc, rồi đập bỏ lớp vỏ, tiếp đó khoét lõi.
Làm được cái hòm phải mất sức của hơn hai chục thanh niên khoẻ mạnh, làm liên tục có khi cả tháng trời. Nếu mỗi người chết mà chôn riêng một cái hòm như vậy thì phí lắm. Tục chôn chung còn có nguồn gốc như vậy đó".