| |
|
| |
| trangdai93 Người Điều Hành
| | Thông tin thành viên : | Click ! | Tổng số bài gửi : 147 Points : 253 Reputation : 3 Join date : 04/04/2010 Age : 31 Đến từ : Thủ Dầu Một, Bình Dương
|
|
| | |
| | | | | Chủ đề : Đừng để điên vì… học! --------------------------------------------------
Đang học những năm cuối cùng của bậc THPT, Nguyễn Tuấn Anh ở Đông Anh, Hà Nội chỉ vì lúc nào cũng "ngự trị" ý nghĩ trong đầu: "Thời buổi bây giờ, muốn có công ăn việc làm, muốn thoát khỏi nghèo đói như gia cảnh hiện tại chẳng có cách nào khác là phải học và học. Nếu không... "như bố mẹ em vẫn nói "Chỉ có ăn cám". Thế là Tuấn Anh lao đầu vào học. Học như điên như dại đến nỗi khi ăn cơm Tuấn Anh cũng học, lên giường ngủ rồi cũng vẫn miên man trong đầu những con số. Học như vậy cho đến cận ngày thi thì bỗng nhiên em phát điên vì học. Trớ trêu thay, khi bị điên, hành động của Tuấn Anh lại chính là bốc cám để... ăn.
1. Đây không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất bị loạn thần vì học mà từ trước tới nay đã có rất nhiều bệnh nhân như vậy. Đến Khoa Điều trị Loạn thần cấp của Viện Chăm sóc sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai những ngày giáp mùa thi này có tới 2/3 số bệnh nhân ở đây là bị loạn thần vì học. Và trong số những bệnh nhân bị loạn thần ấy, không chỉ có học sinh mà còn có cả sinh viên.
Với gương mặt sáng sủa, vầng trán cao thông minh và hầu hết đều mang cặp kính cận dày cộp, nhìn họ, không ai bảo rằng họ là những bệnh nhân loạn thần. Bởi so với nhiều bệnh nhân khác ở đây, họ không phá phách, gào thét hay "tay nhặt lá, chân đá ống bơ, miệng hát vu vơ", mà trầm tĩnh, lặng lẽ như một cái bóng trên chiếc giường cá nhân trong bệnh viện.
Trong số những bệnh nhân ấy, "trội" lên là một gương mặt mà bất kể người nào quan tâm đến giáo dục đều có thể nhận ra em từng đoạt giải cao ở các kỳ thi toán Olympic quốc tế, từng là thần tượng học tập của nhiều học sinh phổ thông. Em nhập viện đã được 2 tháng, tất nhiên cũng với lý do loạn thần cấp do học quá nhiều. Khi chúng tôi đến, em cứ ngồi như pho tượng trên chiếc ghế ngoài hành lang, mắt nhìn xa xăm, vô định.
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Điều trị Loạn thần cấp cho biết: "Như thế này là em đã đỡ đi nhiều. Chứ trước đây khi mới nhập viện, không ai có thể đến được gần em, kể cả bố mẹ. Chỉ tiến mấy bước chân về phía em thôi, em đã xua tay ra hiệu dừng lại. Nếu không...". Bác sĩ Dũng kể tiếp: "... Em chạy vào nhà vệ sinh khóa sập cửa lại hoặc úp mặt vào hai đầu gối đến nỗi dỗ ngon ngọt thế nào cũng không ngẩng lên. Nói chung, em muốn tuyệt giao với tất cả những người xung quanh".
Sở dĩ dẫn đến bệnh tình như vậy là vì trải qua một thời gian dài em chỉ tập trung vào mỗi việc học và học. Và sự tập trung ấy có cảm giác cao độ và chịu áp lực đến mức nếu không như vậy sẽ... chết. Cho nên khi tập trung thái quá như vậy, nhất lại là trong trường hợp thần kinh yếu sẽ dẫn đến loạn thần vì học. Mà trong hoàn cảnh của em, nếu là người khác cũng dẫn đến loạn thần chứ đâu phải riêng em.
Vì với sự thông minh "thiên bẩm", với thành tích học tập "đỉnh" đến mức thầy giáo cũng phải ngưỡng mộ và "dựng thành tượng đài" cho các học sinh noi theo, bố mẹ em đã tạo dựng cho em một "cái bóng" quá lớn với quá nhiều ánh hào quang để rồi lúc nào em cũng phải cố gắng vượt qua cái bóng ấy, giữ gìn ánh hào quang ấy bằng việc học và học mà không có lựa chọn nào khác. Học như thể nếu không học sẽ... không thể tồn tại trên thế giới này.
Khi được nhận thẳng vào một trường ĐH danh tiếng ở Hà Nội mà vẫn chưa tốt nghiệp phổ thông thì áp lực học tập ấy của em càng nặng nề hơn. Rồi một ngày, như không thể chịu đựng nổi sự căng thẳng liên miên như vậy nữa, em hóa... điên. Em khóa sập cửa phòng riêng rồi cầm chìa khóa quăng đi thật xa. Trước khi ra khỏi nhà, em còn quay lại vừa chỉ vào cánh cửa phòng vừa nói một cách hằn học: "Tao căm ghét mày và những thứ mày chứa đựng bên trong. Tao không bao giờ muốn nhìn thấy mày nữa".
Nói xong, em bỏ nhà đi một tuần lễ liền. Lúc bố mẹ tìm thấy em, em đang nằm co ro trên vỉa hè, quần áo nhếch nhác, đầu tóc bơ phờ, mặt mày hốc hác vì thiếu ăn. Thương tâm hơn, khi bố mẹ lại gần, em cứ co rúm người lại vì sợ hãi. Phải vất vả lắm, bố mẹ em mới đưa được em đến Khoa Điều trị Loạn thần cấp để điều trị.
Đã hơn hai tháng trôi qua kể từ ngày nhập viện, với phác đồ điều trị kết hợp cả hai liệu pháp y học và tâm lý, đến nay, tinh thần của em đã ổn định hơn. Em đã chịu giao tiếp, chịu cởi mở lòng mình với những người xung quanh và quan trọng là em đã làm chủ những lời nói, suy nghĩ... của mình.
Chả thế, hôm bác sĩ Nguyễn Văn Dũng cùng một giáo sư đang loay hoay chưa biết giải thế nào với bài toán cao cấp trong Luận án Tiến sĩ sắp bảo vệ, bất chợt em đi vào và vô tình đọc được đầu bài toán ấy, thế là như phản xạ tự nhiên, em nhoay nhoáy giải bài toán trên giấy trước sự kinh ngạc của cả vị giáo sư và bác sĩ. Sau khi chứng kiến em giải bài toán xong, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng gật đầu mãn nguyện: "Như vậy, là em đã hồi phục tốt".
2. Như "kỳ thủ" giải toán trên đây, Nguyễn Thị D., 17 tuổi quê ở Nghệ An cũng là một bệnh nhân tâm thần vì học. Nhưng khác với bệnh nhân kể trên, nguyên nhân thúc đẩy D. vùi đầu vào học không phải là hào quang do bố mẹ tạo ra mà chính là hoàn cảnh đói nghèo của gia đình đã buộc em phải học. Em phải học để kiếm được việc làm. Khi kiếm được việc làm em sẽ giúp cái gia đình gồm 6 miệng ăn không phải lâm vào cảnh bữa đói, bữa no như hiện tại, không phải lo phụ thuộc vào thời tiết, cũng không phải lo "đầu tắt mặt tối" với công việc lam lũ, nhọc nhằn của nhà nông... Và đối với D., học để còn có cơ hội thoát ly khỏi mảnh đất "chó ăn đá gà ăn sỏi" miền Trung này, đến một vùng đất màu mỡ, thuận lợi hơn.
Nghĩ vậy, D. đã chìm đắm miên man trong bài vở. Đã học ở trường thì thôi, chứ về đến nhà, D. chỉ dính lấy chiếc bàn học. Tất cả những gì thuộc về học tập của em như sách vở, đề luyện thi... đều là bữa ăn, giấc ngủ... của em. Tính ra mỗi đêm D. chỉ ngủ 3-4 tiếng, sáng hôm sau lại đi học tiếp. Thấy D. học tập như vậy, đáng lẽ phải khuyên can hoặc bằng mọi cách để giảm cường độ học tập của D. thì đằng này bố mẹ em lại khuyến khích theo kiểu: "Người ta học thâu đêm suốt sáng còn chưa ăn ai. Cố gắng học nữa đi con. Học để giải thoát bản thân và gia đình khỏi nghèo đói". Thế là đã học như... điên, D. lại càng "học điên" hơn.
Vốn là một học sinh giỏi, em đã từng đoạt giải cao trong các kỳ thi toán, Anh văn của huyện, tỉnh và luôn luôn giữ vững vị trí số 1 trong tốp học sinh giỏi của trường. Cho nên chỉ có thể là D. chứ không thể là người nào khác gánh vác tương lai của gia đình thoát cảnh đói nghèo. Vậy là cứ với cường độ học tập như vậy, mì tôm "dền" đều đặn ba bữa mỗi ngày, đến một ngày, như không thể chịu đựng nổi nữa sự căng thẳng triền miên, cộng với sức khỏe suy kiệt, đang ngồi học bỗng nhiên, D. cứng đờ người ra rồi ngã vật xuống giường bất động, nét mặt trơ lỳ trước mọi cảm xúc...
Biểu hiện của em được bác sĩ Dũng gọi là: hội chứng căng trương lực, nghĩa là đầu óc chưa hoàn toàn mất tỉnh táo, nhưng cơ thể lại bất động đúng như người toàn thân bất toại. Khi đưa ra điều trị tại Khoa Điều trị Loạn thần cấp, người D. đã lở loét nhiều chỗ, thậm chí có chỗ bốc mùi nặng. Lúc đó em chỉ nặng 30kg, gầy như xác ve. Gặp ai trong Viện, D. cũng khóc lóc, kể lể nhưng chẳng ai hiểu D. kể lể cái gì vì em nói không ra hơi.
Nhưng đáng thương nhất cho D. là sau khi điều trị ổn định 33 ngày ở Viện Chăm sóc Sức khỏe tâm thần về, chưa đầy một tuần sau D. lại nhập viện do bệnh tái phát. Mà nguyên nhân dẫn đến bệnh của D. tái phát thì buồn đau không lời nào tả xiết. Do không có tiền mua thuốc theo đơn bác sĩ đã kê nên sau khi về nhà D. hoàn toàn không được điều trị. Đã thế, khi về nhà, vì tiếc thời gian đã nằm viện vậy là để học bù, để bồi đắp thêm kiến thức, D. lại lao đầu vào học ngày đêm. Lại "dền" mì tôm úp mỗi bữa...
Trong chuyện này đúng như Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng nhận định: "Nếu D. đáng trách 1 thì bố mẹ em đáng trách 10. Bởi bác sĩ đã giải thích rõ bệnh tình của con cái họ như thế nào, thậm chí khuyến cáo họ phải làm ra sao để điều trị cho con. Thế mà về nhà chứng kiến cảnh con học tập như "hành xác" như vậy mà không can gián, khuyên răn để rồi đến nỗi chưa được 1 tuần bệnh lại tái phát". Bác sĩ Dũng còn bất bình: "Không biết họ muốn con họ học để sống hay học để chết nữa!".
Hiện nay, bệnh tình của D. đang đi vào ổn định. Mỗi ngày, ngoài uống thuốc bổ dưỡng thần kinh, em phải uống thuốc điều trị đều đặn. Số thuốc đó, chính bác sĩ Dũng đã đề nghị cấp miễn phí cho D. vì gia đình em quá nghèo không có khả năng mua.
Một bệnh nhân tâm thần đang trong quá trình phục hồi.
3. Không chỉ học sinh mà ngay cả sinh viên, những đối tượng tưởng như đã thần kinh "thép" do đã "thử lửa" qua kỳ thi ĐH cũng trở thành bệnh nhân loạn thần vì học. Vũ Văn Đ., ở Thái Nguyên, sinh viên Trường ĐH Mỏ địa chất là một trường hợp như vậy. Sau khi tốt nghiệp ĐH ra trường, như nhiều sinh viên khác, Đ. không có công ăn việc làm.
Sau mấy năm khốn khó vì thất nghiệp, khi nghe tin bố mẹ báo tin một doanh nghiệp đồng ý tiếp nhận Đ. vào làm việc kể cả học trái ngành, vậy là Đ. mừng quýnh lên đến nỗi chấp nhận hết mọi điều kiện họ đặt ra mà không biết lượng sức mình có thực hiện được không. Điều kiện ấy là: trước khi vào làm việc còn 5 tháng nữa, trong 5 tháng ấy Đ. phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ và văn bằng quản lý hành chính...
Trong khi đối với nhiều học sinh, sinh viên, để có thể hoàn thành những chứng chỉ này phải cần hàng năm trời, vậy mà chỉ trong 5 tháng Đ. phải hoàn thành chúng thì quả là doanh nghiệp tuyển dụng Đ. đã "chơi khó" em. Nhưng quá thấm thía nỗi khổ thất nghiệp như đã nói, hơn nữa thời buổi bây giờ có được việc làm là cơ hội ngàn vàng nên Đ. không thể từ chối cơ hội ấy. Em càng quyết tâm hơn khi bố mẹ nói: "Không còn cách nào khác là phải cố gắng thôi con ạ. Vất vả lắm, bố mẹ mới xin cho con được vào chỗ này nên con phải bám chặt lấy bằng cách thực hiện điều kiện của họ".
Nghe xong, lập tức Đ. tay xách nách mang xuống Hà Nội để học cùng lúc 3 chứng chỉ. Nhưng để học được 3 chứng chỉ ấy, vừa đi học Đ. vừa phải đi làm thuê để lấy tiền trang trải học phí. Ban ngày đi học, tối đến đi làm thuê, đêm về Đ. lại lao đầu vào sách vở để học tập. Cứ gồng mình mãi thế cho đến khi như quả bóng thổi căng mãi sẽ nổ tung, Đ. phát... điên. Gặp ai, em cũng khóc lóc, van xin tha thứ vì em là người vô dụng, kẻ ăn bám, bất tài... Khi đưa vào Khoa Điều trị Loạn thần cấp, gặp bác sĩ Dũng, em cũng nói như mê sảng như vậy. Bây giờ, bệnh tình của Đ. đã đỡ hơn sau một thời gian điều trị.
4. Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng cho biết, từ những điển hình loạn thần vì học trên đây, có thể thấy nguyên nhân khiến các em mắc bệnh là do phải chịu áp lực quá lớn hoặc là từ chương trình giáo dục, từ bản thân hoặc là từ cha mẹ và xã hội, trong đó đặc biệt là áp lực từ gia đình và xã hội. Chỉ vì thiếu hiểu biết ở độ tuổi học sinh, tâm lý của các em chưa ổn định, sự phát triển của các nội tiết tố để cân bằng cơ thể vẫn còn đang giai đoạn hoàn thiện (phải năm 22 tuổi mới phát triển toàn diện), nên nhiều bậc phụ huynh "vô tư" tạo sức ép với con, bất kể vì lý do gì. Và khi phải chịu sức ép như vậy, các nội tiết tố (nội môi) để cân bằng cơ thể của các em đã bị rối loạn rồi dẫn đến loạn thần cấp.
Trong trường hợp vừa phải chịu sức ép, lại vừa không ăn uống đầy đủ các chất bổ dưỡng thì tình trạng loạn thần cấp diễn ra ở các em càng nhanh hơn. Nhưng nghiêm trọng hơn cả sau khi đã bị loạn thần cấp một lần thì lần sau rất dễ xảy ra, ngay cả khi áp lực của các em không lớn. Nói cách khác, với những người đã bị loạn thần cấp, để phục hồi trạng thái hoàn toàn bình thường như khi chưa bị bệnh là rất khó. Bởi vậy để không dẫn đến tình trạng này, nhất là khi mùa thi sắp đến gần, các bậc phụ huynh không nên tạo áp lực đối với con cái mà phải biết lượng sức để khuyên răn, động viên con một cách phù hợp.
Còn đối với áp lực của xã hội, sau nhiều năm nghiên cứu và điều trị thực tế các bệnh nhân, bác sĩ Dũng cũng đúc rút ra rằng: chính những đòi hỏi vô lối, những yêu sách không hợp lý cùng tâm lý "sính" bằng cấp của nhiều đơn vị, cơ quan trong tuyển dụng nhân viên đã vô tình tạo áp lực không chỉ đối với học sinh, sinh viên mà đối với cả các bậc phụ huynh. Cho nên để giảm bớt áp lực cho học sinh, sinh viên và cũng chính là cho xã hội nói chung, cần phải loại bỏ những điều kiện vô lý này
(Theo Công an nhân dân) | | | | |
|
| | |
Trang 1 trong tổng số 1 trang | | Trả lời nhanh - Quick reply |
| Permissions in this forum: | Bạn không có quyền trả lời bài viết
| |
| |
| |